Sạc không dây iPhone là gì, cơ chế hoạt động như thế nào?

1890

Lần đầu công nghệ sạc không dây sẽ có mặt trên những chiếc iPhone. Và đây là những tiết lộ thú vị mà bạn không nên bỏ lỡ. Vậy sạc không dây iPhone hoạt động thế nào?

Công nghệ sạc không dây giờ đã quá phổ biến với những chiếc smartphone thế hệ mới. Trong lúc chờ mòn mỏi vẫn chưa thấy Apple bán ra AirPower thì các tín đồ của “táo cắn dở” dùng iPhone X và iPhone 8 vẫn có thể tậu ngay cho mình loạt mẫu đế sạc không dây chuẩn chỉnh này.

Sạc không dây iPhone và cơ chế hoạt động

Sạc không dây là kiểu sạc mà bạn không cần cắm cáp vào smartphone để sạc nó. Đơn giản chỉ cần đặt nó trên một tấm hoặc đế đặc biệt để bắt đầu quá trình sạc pin.

Qi là một tiêu chuẩn của sạc không dây trên điện thoại thông minh. Trong lĩnh vực này, có vài tiêu chuẩn đang cạnh tranh với nhau như Qi của Wireless Power Consortium, PMA hay AirFuel Alliance. Hầu hết các điện thoại thông minh đều hỗ trợ các chuẩn này, nghĩa là chúng có thể sạc trên hầu hết các bộ sạc tiêu chuẩn. Trong số đó, Qi đang nhanh chóng trở thành chuẩn sạc không dây phổ biến nhất và được sử dụng bởi Apple trên iPhone 8 và iPhone X.

sạc không dây iphone

Ngay từ khi ra mắt, tính năng sạc không dây đã lập tức tạo được sự hấp dẫn bởi nó cho phép sạc điện thoại thông minh mà không cần đến cáp USB. Chỉ cần đặt thiết bị lên trên một bộ sạc không dây và nó sẽ bắt đầu phần việc còn lại.

Tất nhiên, phần đế của bộ sạc không dây vẫn cần phải được cắm vào tường để lấy điện, điều này khiến cho Phil Schiller của Apple cho rằng sạc pin không dây là một tính năng không thực sự cần thiết và iPhone không được trang bị tính năng này.

Sạc không dây được mô tả chính xác hơn là “sạc cảm ứng” vì nó sử dụng cảm ứng từ. Lời giải thích ngắn gọn là nó dùng từ trường để truyền tải năng lượng, dòng điện từ ổ cắm điện trên tường di chuyển qua dây dẫn trong bộ sạc không dây, tạo ra từ trường.

Từ trường tạo ra một dòng điện trong cuộn dây bên trong thiết bị. Cuộn dây này được kết nối với pin và các mấu nối của pin do đó nó đòi hỏi thiết bị phải có phần cứng thích hợp để hỗ trợ sạc không dây, một thiết bị mà không có cuộn dây thích hợp không thể sạc không dây.

Các loại sạc không dây dùng cho iPhone

Anker PowerWave Fast Wireless Phone Charger

Bộ sạc không dây màu trắng tinh tế mới ra mắt đầu năm 2018 của Anker được đánh giá là một trong những lựa chọn tốt nhất ở tầm giá 1 triệu đồng. Chiếc iPhone “con cưng” của bạn sẽ được hỗ trợ sạc nhanh tức thì với tiêu chuẩn 7,5W. Thậm chí hãng cũng gây bất ngờ khi tuyên bố rằng PowerWave 7.5 sẽ sạc iPhone X, iPhone 8 nhanh hơn sạc có dây của Apple (vốn có thời gian sạc dưới 3 giờ). Sản phẩm này cũng tương thích với hầu hết các mẫu smartphone cao cấp của Samsung như Galaxy S8, Galxy Note8 hoặc Galaxy S9 bằng cách đẩy công suất sạc lên đến 10W. Ngoài ra, nó cũng được trang bị 1 quạt tản nhiệt hoạt động khi có dấu hiệu tăng nhiệt và cổng kết nối USB-C. Sản phẩm có giá 46 USD (khoảng 1 triệu đồng).

các loại sạc không dây iphone

Samsung Fast Charge Wireless Charging Stand (2018)

Thật ngạc nhiên khi đế sạc không dây phiên bản 2018 của Samsung cũng là một lựa chọn hoàn hảo cho các chủ sở hữu iPhone nhờ tốc độ sạc vượt trội so với các sản phẩm cùng loại khác. Với phiên bản màu đen, trắng và thiết kế tỉ mỉ, Fast charger của Samsung được trang bị hệ thống lõi sạc kép bên trong cho phép điện thoại được sạc cả khi đặt ngang hoặc dọc. Để tránh tình trạng nhiệt độ cao trong khi sạc, Samsung cũng tích hợp sẵn bộ quạt tản nhiệt bên trong. Đi kèm với đế sạc này còn có thêm củ sạc nhanh và dây USB Type-C. Bên cạnh công dụng sạc, món phụ kiện này còn đóng vai trò như giá đỡ điện thoại thời trang. Để sở hữu đế sạc Samsung sang xịn này các tín đồ công nghệ sẽ phải chi một số tiền khá lớn, lên tới 70 USD (khoảng 1,6 triệu đồng).

Satechi Fast Wireless Phone Charger

Còn gì tuyệt hơn khi lại tiếp tục với một mẫu sạc vừa có giá mềm vừa có thiết kế thời thượng. Mặt kính đen hoặc trắng bóng bẩy cùng đường viền nhôm tông màu sang chảnh như bạc, xám, vàng hoặc hồng. Đặc biệt, phụ kiện đế sạc bằng kim loại này có tâm điểm acrylic chính giữa giúp bảo vệ điện thoại khỏi bị trầy xước cũng như rung trượt trong quá trình kết nối. Để sạc dế yêu nhanh nhất có thể, người dùng chỉ việc kết nối sạc không dây với bộ chuyển đổi tương thích Qualcomm Charge 2.0 hoặc bộ sạc nhanh với đi kèm với các mẫu điện thoại Samsung cao cấp. Dù xịn là thế nhưng người mua cũng chỉ phải móc ví tầm 30 USD (khoảng 680.000 đồng) mà thôi.

Nhược điểm và hạn chế của sạc không dây

Nhược điểm đầu tiên của sản phẩm sạc không dây là về vấn đề chi phí. Một phụ kiện sạc không dây chắc chắn sẽ phải đắt hơn so với dây cáp và củ sạc thông thường. Với chiếc sạc AirPower được bán bởi Apple, chúng có thể còn đắt hơn nữa do kích cỡ lớn và có thể sạc đồng thời nhiều loại thiết bị.

Với phương thức sạc truyền thống, việc vừa sử dụng máy vừa sạc là thói quen quá đỗi thông thường. Thế nhưng bạn sẽ không thể làm điều đó thoải mái với sạc không dây. Công nghệ này yêu cầu chiếc điện thoại phải ở gần và tiếp xúc với bàn sạc. Bạn sẽ không thể vừa cầm máy vừa sạc được. Tuy vậy, rất có thể công nghệ này sẽ xuất hiện trong tương lai.

Một hạn chế khác là cần chú ý cách đặt máy nếu muốn chiếc điện thoại của bạn hấp thụ được lượng điện năng tối ưu nhất. Nếu máy bị trượt đi do quá trình di chuyển, hoặc do máy bị rung bởi các cuộc gọi đến, quá trình sạc có thể bị chậm hoặc dừng lại hoàn toàn. Bên cạnh đó, cần tránh đặt những chiếc thẻ từ, thẻ tín dụng và các vật dụng kim loại giữa mặt lưng của iPhone và chiếc bàn sạc.

Cuối cùng, một bàn sạc không dây không thể giúp truyền tải tập tin. Nó không thể thay thế cáp lightning thường dùng. Bàn sạc không dây cũng yêu cầu nguồn điện ở mức cao hơn. Bạn sẽ khó có thể sạc không dây nếu nguồn sạc là cổng USB của một chiếc máy tính.